Bộ GD&ĐT tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018

Bộ GD&ĐT tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2017-2018

 

Sáng 21/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu ở 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Tham dự hội nghị tại điểm cầu của Bộ GD&ĐT diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong) có đồng chí Vũ Đức Đam – UV BCH Trung ương Đảng- Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các Thứ trưởng.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết: Năm học vừa qua, toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được một số kết quả nổi bật. Kết quả đó được thể hiện trước tiên ở việc quan tâm rà soát quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Công tác giáo dục hướng nghiệp được tăng cường, tích hợp lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh. Việc ứng dụng CNTT được đẩy mạnh, triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý giáo dục, bồi dưỡng học trực tuyến cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Cơ sở vật chất của các nhà trường được chuẩn hóa và từng bước hiện đại; số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, phòng học nhờ đã giảm; số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia tăng lên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Năm học vừa qua, cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường tăng, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ được đổi mới theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông được tích cực thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học…   

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cơ bản còn tồn tại, như việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương chưa phù hợp, chậm hướng dẫn triển khai; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết. Phương thức dạy nghề trong các trường phổ thông còn nặng về kiến thức lý thuyết. Việc tiếp cận công nghệ, mô hình giáo dục nước ngoài ở vùng sâu, vùng xa còn rất ít. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Năm học 2017 – 2018, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản với phương hướng chung là tập trung rà soát, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; Tăng cường hội nhập quốc tế; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…

 Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực mà tập thể cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành đã cố gắng trong năm học vừa qua. Đồng chí đề nghị, năm học mới 2017-2018, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, các Sở GD&ĐT cần nắm chắc tình hình trình UBND các tỉnh, thành phố về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để có những bước chuẩn bị tích cực khẩn trương thực hiện chương trình. Các cấp học mầm non, tiểu học, đặc biệt là cấp tiểu học phải chú trọng dạy học sinh biết yêu nước thương nòi, yêu lao động, tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao; khai mở trí tuệ học sinh. Chuyển tải tinh thần đổi mới đến từng thầy cô giáo vì giáo viên giữ vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

 

Tại điểm cầu của TP. Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý; Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cùng BGĐ Sở và đại diện lãnh đạo các quận, huyện của thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý báo cáo một số kết quả nổi bật của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm học 2016 – 2017. Theo đó, quy mô giáo dục của toàn ngành ngày càng phát triển với 2.669 trường học và cơ sở giáo dục với trên 1,8 triệu học sinh các cấp học. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững. Đặc biệt về chất lượng giáo dục mũi nhọn, số lượng học sinh giỏi đạt giải cấp quốc gia, quốc tế đạt kết quả cao hơn năm trước và dẫn đầu toàn quốc với 146 giải (trong đó có 11 giải Nhất).

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành có trên 130 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% giáo viên đã đạt chuẩn với tỷ lệ đạt trên chuẩn ngày càng cao.Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học đã có nhiều đổi mới. Ngành GD&ĐT đã chủ động hội nhập quốc tế. Bước đầu đã triển khai tốt mô hình trường đào tạo song bằng tú tài theo chương trình của Cambridge cho học sinh THPT tại trường Chu Văn An, hoàn thành thủ tục để đăng cai tổ chức một số giải quốc tế tại Hà Nội như: “Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng dành cho học sinh lớp 10 THPT và lớp 8 THCS có sự tham gia của học sinh quốc tế năm 2018” và “Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh tiểu học lần thứ 16”.

Phát huy kết quả đạt được năm học 2016 - 2017, trong năm học 2017 - 2018, UBND Thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo ngành GD&ĐT Thủ đô tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cơ bản năm học 2017-2018 của Bộ GD&ĐT; Rà soát tổng thể lại quy hoạch hệ thống trường học. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; Chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc nâng cao chất lượng đại trà; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý; Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo...

Tác giả: PVNguồn tin: Tạp chí Giáo dục Thủ đô

Gửi phản hồi

 

Lịch công tác

TRA CỨU

 

Bài ca Tây Hồ

 

-->
Video
Thư viện ảnh nổi bật
Thống kê truy cập