Tự chủ toàn diện là cơ sở để trường ĐH phát triển

Tự chủ toàn diện là cơ sở để trường ĐH phát triển
GD&TĐ - Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi đang được Bộ GD&ĐT thực hiện lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý GD trên toàn quốc nhằm xây dựng dự thảo Luật GDĐH toàn diện, đáp ứng nhu cầu đổi mới, quản trị của các trường trong quá trình hội nhập quốc tế… Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM

 

Tự chủ toàn diện là cơ sở để trường ĐH phát triển

GD&TĐ - Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi đang được Bộ GD&ĐT thực hiện lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý GD trên toàn quốc nhằm xây dựng dự thảo Luật GDĐH toàn diện, đáp ứng nhu cầu đổi mới, quản trị của các trường trong quá trình hội nhập quốc tế… Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM

Sau khi dự thảo Luật GDĐH được công bố, điều khiến ông tâm đắc nhất của dự thảo là gì? Với cá nhân ông, những điểm mới được bổ sung của dự thảo lần gần nhất đã đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn hoạt động của các trường?

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM
 
Tôi quan tâm đến tự chủ ĐH! Bởi chỉ cần trường ĐH được tự chủ toàn diện, đó sẽ là cơ sở để trường ĐH phát triển. Chắc chắn đã có sự tiếp thu và cầu thị quyết liệt ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học nên dự thảo đã quy định rõ “Cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động chủ yếu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, bảo đảm chất lượng GDĐH..”.

 

Vấn đề tự chủ và tự chịu trách nhiệm là không thể tách rời nhau và nó đã được bổ sung bằng luật định trong dự thảo. Cá nhân tôi nhận thức, việc cơ sở GDĐH được tự chủ trong những hoạt động khác phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng GD của nhà trường. Như vậy, đồng nghĩa với việc cơ sở GDĐH không còn đủ năng lực thì chắc chắn sẽ được đưa ra ngoài hệ thống, tránh những hệ lụy đến số đông các cơ sở GD nghiêm túc, có trách nhiệm.

Sau nhiều lần điều chỉnh, sửa đổi và công bố, đến thời điểm này, Luật GDĐH được nhiều cán bộ quản lý đánh giá là khá hoàn thiện. Cá nhân ông đánh giá thế nào về các quy định tiêu chí để xếp loại phân tầng hệ thống GDĐH?

Vấn đề phân tầng cơ sở GDĐH là việc phân chia hợp lý và khoa học cho hệ thống cơ sở GDĐH thành các loại trường khác nhau dựa trên chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu khoa học. Dự thảo Luật GDĐH nêu rõ; các cơ sở GDĐH được phân tầng thành các ĐH nghiên cứu, các ĐH ứng dụng và các trường cao đẳng huấn luyện nghề nghiệp… trên cơ sở đó mà có định hướng phát triển đúng đắn.

Việc phân tầng cơ sở GDĐH theo chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu khoa học sẽ có ý nghĩa trong việc xây dựng chính sách đầu tư, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tương ứng với năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH. Khi đó, cuộc cạnh tranh giữa các cơ sở là hết sức minh bạch và cởi mở. Phân tầng ĐH theo hướng lấy việc bảo đảm chất lượng đào tạo là kim chỉ nam là hết sức cần thiết. Các ĐH nghiên cứu này có vai trò đặc biệt quan trọng để chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế tri thức khi nước ta hội nhập sâu rộng và tự chủ tự chịu trách nhiệm.

Bộ GD&ĐT cũng như Chính phủ nhất quán chủ trương thực hiện và đẩy mạnh thí điểm việc tự chủ ĐH. Tự chủ một cách toàn diện. Với quy định về quyền tự chủ của trường ĐH tại dự thảo, cá nhân ông thấy cần đề xuất hay kiến nghị gì thêm không?

Tự chủ, phải gắn liền về bản chất, với tự chịu trách nhiệm. Nếu tách rời 2 vấn đề này, sẽ khó và bất cập khi thực hiện. Tôi thực sự không thích cụm từ “thí điểm” mà chúng ta thường dùng. Chính xác, đó là lộ trình mới đúng về bản chất. Xã hội từng hiểu lầm ý tốt của những người làm quản lý của ngành Giáo dục và thậm chí còn lên án về việc “thí điểm đối với con người”.

Chính vì thế, theo tôi phải làm rõ thuật ngữ này để xã hội rõ lộ trình, bước đi đã được xác định trước rõ ràng, có cơ sở khoa học, mang tầm chiến lược chứ không phải là vừa đi vừa rút kinh nghiệm, vừa làm vừa điều chỉnh, ảnh hưởng đến đối tượng là con người, là phụ huynh, là các em học sinh, sinh viên, học viên...

Thống nhất quan điểm và tư duy như vậy, nhưng để thực hiện lộ trình ấy, chúng ta cần gì? Quy định, cao nhất là luật, luôn và thường thì tốt, hợp lý. Nhưng nó bị trục trặc ở khâu thực hiện, bất cập khi có sự tham gia của các bên mà bản thân họ luôn đóng vai trò thực hiện hay phản biện đều có thể tạo ra sự thành công hay thất bại.

Ý tôi đề cập đến là “xung đột lợi ích nhóm”. Làm sao đó để “Nhóm” là cả hệ thống Giáo dục thì lợi ích này sẽ bền vững .

Luật GDĐH là công cụ mạnh nhất để điều chỉnh hướng đi của GDĐH. Đặc biệt là minh định các vấn đề trong chủ trương XHHGD. Theo ông, với những quy định tại Dự thảo, chúng ta có cần bổ sung hay thêm các điều khoản và hành lang pháp lý cụ thể hay không?

Với cá nhân tôi, đứng ở góc độ một cán bộ quản lý tôi thấy chừng đó để làm cho tốt cho đúng là đủ rồi!

Dự thảo Luật GDĐH lần này đã đề cập đến mô hình trường ĐH tư vì lợi nhuận và trường tư phi lợi nhuận. Đây là mô hình khá mới mẻ, các khái niệm và chế định pháp lý vẫn còn khá mập mờ. Theo cá nhân ông, chúng ta cần bổ sung gì về mô hình này trong Luật GDĐH?

Tại sao vấn đề lợi nhuận hay phi lợi nhuận lại gây tranh cãi nhất? Điều 4 của dự thảo cũng đã quy định rõ. Tuy nhiên, do sự tương tác của nhiều nguyên nhân khiến khái niệm này trở nên nhạy cảm.

Theo tôi, nguyên nhân đến từ chính việc điều hành yếu kém của một số cơ sở GD, tự họ làm mất uy tín, mất niềm tin của họ và cao hơn, của ngành và xã hội. Cứ trang bị và chọn người đứng đầu hãy luôn vì khách hàng (làm đầu) và có tính hệ thống, không vụ lợi cá nhân... thực hiện đúng theo định mức, các con số sẽ ổn thôi.

Ví dụ, quy định phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động của cơ sở GDĐH tư thục được dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở GDĐH, cho các hoạt động GD, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý GD, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần còn lại, phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở GDĐH thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Đánh giá một cách tổng thể, ông thấy dự thảo Luật GDĐH sửa đổi lần này – với 4 nhóm chính sách lớn đã thật sự bao quát mọi hoạt động của hệ thống GDĐH chưa?

Cá nhân tôi thấy là tương đối tốt. Khi tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD càng cao thì kiểm định chất lượng GD trở thành một công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng GD. Đó là một trong những cơ chế thúc đẩy sự phát triển bền vững của nhà trường. Nhưng tất cả đều phải bắt đầu từ khách hàng, từ nhu cầu xã hội.

Kiểm định chất lượng được thực hiện với một bộ tiêu chí đòi hỏi nhà trường phải chứng minh mục tiêu đào tạo của nhà trường phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, đạt mức chất lượng cam kết, đảm bảo sự minh bạch và luôn chịu trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

Như vậy những băn khoăn của các đại biểu về tổ chức kiểm định chất lượng GD ĐH đã được xử lý trong dự thảo 3 của Luật GDĐH. Kết quả kiểm định chất lượng là thông tin quan trọng hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước và sự lựa chọn của người học, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động GD-ĐT.

Xin cảm ơn ông!

 

“Khi tự chủ toàn diện, hơn ai hết, chính cơ sở GD ĐH tự chủ phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở mình… Trong đó, tất cả các hoạt động đều phải hướng đến khách hàng. Hơn ai hết, chính khách hàng (người học) là người kiểm soát chất lượng và những cam kết của cơ sở GD ĐH. Chất lượng đào tạo trong bối cảnh cạnh tranh cao sẽ là thước đo năng lực quản lý điều hành của các nhà trường”.                        TS.Trần Đình Lý

 

Anh Tú (ghi)

Gửi phản hồi

 

Lịch công tác

TRA CỨU

Bài ca Tây Hồ

 

-->
Video
Thư viện ảnh nổi bật
Thống kê truy cập