Kế hoạch Phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” và phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói không với tiêu cực”

Kế hoạch Phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” và phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói không với tiêu cực”
Thực hiện Kế hoạch số 50/KH-LĐLĐ ngày 20/8/2019 của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội về việc phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” và Kế hoạch số 51/KH-LĐLĐ ngày 20/8/2019 của LĐLĐ thành phố Hà Nội về việc phát động cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói không với tiêu cực”, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Hà Nội triển khai Kế hoạch phát động phong trào thi đua“Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” và cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói không với tiêu cực” trong cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGV,NV) ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội như sau.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của CBGV,NV trong các đơn vị, trường học  thuộc thành phố Hà Nội về văn hóa ứng xử; chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, gương mẫu trong gia đình và xã hội; góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

- Từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại; góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của CBGV,NV trong việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ CBGV,NV trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân, có trách nhiệm cao với công việc, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh.

- Thông qua phong trào thi đua và cuộc vận động kịp thời phát hiện, khen thưởng, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đội ngũ CBGV,NV Thủ đô về nói không với tiêu cực và thực hiện văn hóa tại công sở, nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện phong trào thi đua và cuộc vận động phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các cấp Công đoàn; tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, hình thức phong phú, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, cơ quan, đơn vị, nội dung mục tiêu thi đua bám sát kế hoạch của Sở GDĐT Hà Nội và Công đoàn Giáo dục Hà Nội.

- Phát động và triển khai phong trào thi đua, cuộc vận động phải gắn với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật.

- Hoạt động của phong trào thi đua và cuộc vận động cần thiết thực, hiệu quả, chú trọng việc tuyên truyền, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

  1. Công tác tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020"; Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND Thành phố, Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND Thành phố. Thực hiện niêm yết công khai Quy tắc ứng xử tại cơ quan và phát tài liệu sổ tay Quy tắc ứng xử tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan. Tập trung công tác tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, xây dựng, hướng dẫn các đơn vị triển khai có hiệu quả các mô hình tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Tuyên truyền thực hiện tốt cuộc vận động: “Năm không” trong CB,CC,VC Thủ đô, gồm: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà;  không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ. Phát động phong trào thi đua, cuộc vận động sâu rộng trong đội ngũ CBGV,NV Thủ đô; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào thi đua, cuộc vận động, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ CBGV,NV và sự ủng hộ của Ban Giám hiệu các nhà trường.

- Các CĐCS căn cứ vào tình hình thực tiễn có các hình thức tổ chức phù hợp để tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể gắn với nội dung, ý nghĩa của phong trào thi đua, cuộc vận động. Đồng thời phê phán chỉ ra các hành vi tiêu cực, nêu gương người tốt, việc tốt trong thực thi công vụ của CB,CC,VC.  Xây dựng, lựa chọn nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp, hiện đại để đưa nội dung phong trào thi đua, cuộc vận động đến với đông đảo CB,CC.VC.

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông trong việc giám sát, phát hiện và đấu tranh với các hành vi tiêu cực; đồng thời tuyên truyền, cổ vũ động viên, khích lệ những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua và cuộc vận động.

2. Nội dung thực hiện

a. Thực hiện văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị và văn hóa ứng xử nơi công cộng

- Thi đua xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại, cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, công sở văn minh, khoa học. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức, lối sống, đạo đức công vụ, thực hiện tốt chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, nâng cao năng lực, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan. Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở trong việc tổ chức vận động, đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử trong đội ngũ CBGV,NV.

b. Nâng cao chất lượng xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật

- Vận động CBGV,NV, loại bỏ tư tưởng “cục bộ”, “lợi ích nhóm”, phải vì lợi ích chung, đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.

- Kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành về chế độ công vụ, công chức để tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, nhất là các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, lối sống, những quy định CB,CC,VC không được làm. Xây dựng quy chế quản lý, chi tiêu, sử dụng tài sản, tài chính trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngăn ngừa tình trạng thất thoát, tham nhũng. Xây dựng chế tài và hình thức xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân có vi phạm. 

c. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của CBGV,NV

- Vận động CBGV,NV gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ quy định những điều đảng viên, công chức, viên chức không được làm.

- Vận động CBGV,NV thực hiện nghiêm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo, công tâm, khách quan, tận tụy, chuyên nghiệp, hiệu quả; thái độ phục vụ tận tình, chu đáo. Có trách nhiệm phát hiện, phản ảnh tới người có thẩm quyền về hành vi tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng văn hoá công sở, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.

- Vận động CBGV,NV không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, giữ vững phẩm chất của người CB,CC,VC; gương mẫu trong sinh hoạt, có lối sống giản dị, tiết kiệm; không xúi giục, tham gia, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tiêu cực. 

d. Phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình.

- Triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở nhằm công khai, minh bạch các chế độ, chính sách, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, thông qua đó góp phần giám sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn ngừa và đẩy lùi các hành vi tiêu cực. Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; có trách nhiệm cao, thân ái đoàn kết, xây dựng và phát huy tình đồng chí, đồng nghiệp để chia sẻ khó khăn, phát hiện và uốn nắn khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ.

- Mỗi CBGV,NV có bản cam kết với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tổ chức công đoàn thực hiện “Nói không với tiêu cực” theo các nội dung của Cuộc vận động. Nêu cao trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện “Nói không với tiêu cực”; kiên quyết đấu tranh, có cơ chế ngăn ngừa và hình thức xử lý người đứng đầu để xảy ra tiêu cực theo quy định của pháp luật.

e. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC

- Các CĐCS phối hợp với UBKT làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, nhất là các tiêu chuẩn, nội dung đã cam kết. Hàng năm đánh giá rút kinh nghiệm để điều chỉnh nội dung phong trào thi đua, Cuộc vận động cho phù hợp.

- Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra của Ban Thanh tra nhân dân; giải quyết kịp thời đơn thư của đoàn viên theo đúng thẩm quyền. Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

- Căn cứ vào kết quả thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động để đánh giá, chấm điểm kết quả thi đua cuối năm cho các tập thể và cá nhân. Đồng thời động viên, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những CB,CC,VC xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua và cuộc vận động để tạo sức lan tỏa.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Đối với Công đoàn Giáo dục Hà Nội

- Xây dựng kế hoạch và triển khai phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” và cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói không với tiêu cực” tới 100% Công đoàn cơ sở.

- Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các công đoàn cơ sở triển khai thực hiện kế hoạch. Tổ chức tổng kết đánh giá, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

2. Đối với các CĐCS trực thuộc

- Căn cứ kế hoạch phát động của Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, nhiệm vụ của đơn vị, các Công đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch báo cáo cấp ủy Đảng, phối hợp với Ban Giám hiệu, tổ chức phát động đợt thi đua đến 100% Công đoàn viên trong đơn vị.

- Tổng kết đánh giá phong trào thi đua và cuộc vận động, khen thưởng và đề xuất Công đoàn cấp trên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc hưởng ứng, thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động.

Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Hà đề nghị các CĐCS trực thuộc triển khai thực hiện tốt kế hoạch./

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Trần Thị Thu Hà

Gửi phản hồi

 

Lịch công tác

TRA CỨU

 

Bài ca Tây Hồ

 

-->
Video
Thư viện ảnh nổi bật
Thống kê truy cập