Đưa bộ Quy tắc ứng xử vì một Thủ đô thanh lịch, văn minh vào trường học

Đưa bộ Quy tắc ứng xử vì một Thủ đô thanh lịch, văn minh vào trường học
Ngày 25/1/2017, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 522/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Như vậy, cùng với việc giảng dạy Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, các nhà trường có Bộ Quy tắc ứng xử dành cho CBGV-NV góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

 

Ngày 25/1/2017, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 522/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. Như vậy, cùng với việc giảng dạy Bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, các nhà trường có Bộ Quy tắc ứng xử dành cho CBGV-NV góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Hà Nội không chỉ là thủ đô mà còn là “trái tim”, trung tâm văn hóa của cả nước. Hình ảnh người Hà Nội luôn gắn với vẻ đẹp văn hóa truyền thống của mảnh đất thủ đô nghìn năm văn hiến với những đặc thù riêng. Song trước biến động của đời sống hiện đại, nét thanh lịch Hà thành cũng đã có phần phai nhạt. Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội ra đời như một lẽ tất yếu, thực sự vì một nền văn hóa thủ đô văn minh, thanh lịch.

 

Ảnh minh họa

 

Bộ Quy tắc gồm 4 chương và 11 điều, trong đó Điều 1 Quy định về mục đích của Bộ Quy tắc đó là: Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô “Kỷ cương – Trách nhiệm – Tận tình – Thân thiện”; Định hướng cho cán bộ các chuẩn mực trong giải quyết công việc với tổ chức và công dân, trong gia đình và xã hội; Góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Về nội dung, Bộ quy tắc này đã cụ thể hóa, chi tiết hóa những quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị hành chính theo đặc thù văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của người dân Thủ đô từ thời gian làm việc; trang phục, tác phong; ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng phương tiện tài sản đến quy tắc ứng xử với người dân tại cơ quan làm việc, tại khu dân cư và nơi công cộng.

Hơn ai hết, các nhà trường của Thủ đô là nơi thể hiện rõ nhất nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh thông qua cách ứng xử có văn hóa của CBGV-NV và học sinh. Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động nhằm tôn vinh và lan tỏa nét đẹp của nhà giáo Thủ đô, tiêu biểu như cuộc vận động: “Xây dựng Nhà trường văn hóa- Nhà giáo mẫu mực- Học sinh thanh lịch”, “Dân chủ - kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”. Sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử sẽ góp phần giúp các nhà trường có thêm các quy định tạo ra những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhằm giữ gìn và phát triển những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

*Nhà giáo Nguyễn Thu Thùy- Hiệu trưởng trường MGMN B Hà Nội:

 

Đối với ngành giáo dục nói chung cũng như giáo dục mầm non nói riêng thì những quy tắc ứng xử đã đi vào từng nội quy, quy chế của ngành học từ nhiều năm nay. Những quy tắc đã được thể hiện rất rõ ràng qua những tiêu chí đưa ra khi đánh giá xếp loại CBCC- VC.

Với những nội dung của quy tắc ứng xử khi đưa vào trường MN, BGH trường MGMN B đã phối hợp cùng công đoàn nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện trước giờ sinh hoạt chuyên môn vào thứ tư hàng tuần để cùng đưa ra, trao đổi những vấn đề nổi cộm của XH, của ngành như: bạo hành với học sinh, ứng xử thiếu văn minh với phụ huynh, đồng nghiệp, cắt xén khẩu phần ăn của trẻ… từ đó cùng rút kinh nghiệm và nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Đặc biệt BGH nhà trường rất quan tâm đến cách ứng xử của giáo viên với học sinh, giáo viên với giáo viên, giáo viên với phụ huynh. Tác phong của cô giáo mầm non được xây dựng từ đầu tóc gọn gàng, móng tay móng chân không để dài hay sơn màu lòe loẹt; quần áo, trang phục cũng phải đảm bảo tính sư phạm, khi đến trường 100% CBGV- NV phải mặc đồng phục theo qui định. Việc sử dụng ĐTDĐ chỉ được áp dụng với những người đầu mối trong nhà trường.

Ngoài việc xây dựng môi trường lớp học theo đúng chủ đề chủ điểm, đẹp mắt thu hút trẻ thì việc vệ sinh vào cuối tuần, hay việc phân chia chăm sóc cây xanh theo từng khu vực lớp học cũng đã góp phần vào việc xây dựng nhà trường xanh -sạch -đẹp, tạo sự thân thiện gần gũi với học sinh để trẻ cảm nhận được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Trong năm học 2015-2016, ban chuyên môn nhà trường đã xây dựng chương trình bổ sung nâng cao đưa vào dạy trẻ. Chương trình đã được Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt. Trong đó nội dung hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ được chú trọng. Từ cách chào hỏi, nói năng, ăn mặc đi đứng sao cho phù hợp hay những hành vi ứng xử văn minh nơi công cộng cũng được các cô giáo lồng ghép vào các hoạt động của trẻ…

*Nhà giáo Hứa Thu Huyền- Hiệu trưởng trường TH Giang Biên, quận Long Biên:

 

  Quy tắc ứng xử đã được triển khai, thực hiện ở các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quy tắc này đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với ngành GD&ĐT Thủ đô trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, những người làm công tác giáo dục là những người truyền đạt kiến thức cho học sinh, dạy dỗ và định hướng cho thế hệ trẻ về lý tưởng, đạo đức, lối sống để các em trở thành những người công dân tốt, chủ nhân tương lai của đất nước... vì vậy trước hết họ phải là những người thầy mẫu mực; tận tình, tâm huyết, có cách ứng xử văn minh, lịch sự đối với mọi người.

 Trong môi trường giáo dục hiện nay, bên cạnh các nhà giáo có tinh thần trách nhiệm, có lời nói, tác phong, cử chỉ mẫu mực, có kỹ năng giải quyết các vấn đề hợp tình, hợp lý xứng đáng là những tấm gương để học sinh noi theo vẫn còn đâu đó một số nhà giáo có những hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo như: xúc phạm thân thể và nhân phẩm học sinh khi các em mắc lỗi; cố tình che giấu những vi phạm trong công tác quản lý và giáo dục bằng những lời nói, việc làm sai trái, thiếu trung thực, thiếu văn hóa… những hiện tượng này chỉ là số ít, là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng cũng thật sự đáng báo động. Cũng như vậy, đa số học sinh có thái độ ứng xử rất tốt; biết chào hỏi lễ phép; biết đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn; có ý thức học tập và rèn luyện.... Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng học sinh vô lễ với thầy cô giáo, nói tục, đánh cãi nhau, lười học, có những suy nghĩ, hành động, dại dột, manh động, gây hậu quả đáng tiếc ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đạo đức của các em, khiến cho bố mẹ thầy cô buồn phiền.

 Để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, có văn hóa, có chất lượng theo đúng tinh thần “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, thì việc thực hiện Quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh gắn với việc thực hiện cuộc vận động "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch"; "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" rất quan trọng. Thông qua ngôn ngữ giao tiếp, người ta có thể hiểu được bản chất, trình độ học vấn và giáo dục của người nói. Do vậy rèn luyện văn hóa ứng xử để xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại chính là thước đo giá trị, là "chìa khóa" mở ra con đường đưa đất nước phát triển đi lên, hội nhập với thế giới.

 *Nhà giáo Tô Thị Trà Ly - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm GDNN-GDTX quận Thanh Xuân:

 

Thực hiện Chỉ thị của UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” và Quyết định của UBND thành phố về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nộimới đây Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử công chức, viên chức ngành giáo dục Thủ đô với những yêu cầu đầy đủ, cụ thể và súc tích.

Nghề giáo là nghề đặc biệt đòi hỏi các thầy cô giáo cần có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, tác phong sư phạm, ứng xử giao tiếp đúng mực, không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và có trách nhiệm nghề nghiệp cao. Bởi chính sự làm việc đầy tận tâm, trách nhiệm và đạo đức của thầy cô giáo luôn là tấm gương với học sinh. Tôi đồng tình, tin tưởng những quy định mà Sở GD&ĐT đề ra sẽ là những yêu cầu, chuẩn mực để mỗi công chức, viên chức thực hiện, từ đó sẽ tạo nên những chuyển biến tích cực hơn nữa trong nền nếp làm việc của các nhà trường và tác phong của các nhà giáo; góp phần xây dựng đội ngũ viên chức, nhà giáo ngành giáo dục Thủ đô ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, thanh lịch, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Xây dựng Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch” và “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm” mà ngành GD&ĐT Hà Nội đã đề ra.

  Ngành GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong Năm kỷ cương hành chính 2017

Ngày 23/3/2017, Sở GD&ĐT đã có công văn số 772 hướng dẫn các đơn vị trong ngành GD&ĐT triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức gắn với “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Theo công văn, đối với viên chức các trường và các cơ sở giáo dục cần:

  1. Đảm bảo thời gian làm việc theo quy định chung.
  2. BGH các trường trực giải quyết việc theo giờ hành chính. Ngoài nhiệm vụ chính trị chỉ đạo dạy và học cần quan tâm đến việc xây dựng quy trình giải quyết, công khai các thủ tục hành chính cho công dân như tuyển sinh đầu cấp, chuyển trường cho học sinh, tiếp nhận học sinh, cấp lại bản sao văn bằng, đăng ký thi THPT quốc gia… vấn đề an ninh trường học, phối hợp với an ninh địa phương dẹp bỏ các hàng quán trước cổng trường, vệ sinh trường học, quản lý học sinh chơi game và các trò chơi ảnh hưởng đến thần kinh, nhân cách học sinh.
  3. Giáo viên đến trường trước giờ dạy từ 10-15 phút để chuẩn bị đồ dùng dạy học hoặc nội dung bài giảng. Đảm bảo đủ thời gian/tiết học. Các trường có thể sử dụng trống hiệu lệnh và trống tính giờ để trừ thời gian giáo viên đi từ phòng chờ lên tới lớp.
  4. Khuyến khích phát triển tư duy phản biện trong dạy và học, trong đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học, áp dụng những sáng kiến kinh nghiệm hay, hiệu quả, phù hợp với đối tượng học sinh.
  5. Đảm bảo soạn 100% giáo án chất lượng, khuyến khích ứng dụng CNTT trong giờ dạy, có đồ dùng dạy học phục vụ bài giảng; khuyến khích áp dụng phương pháp dạy học mới phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức.
  6. Trang phục gọn gàng, đảm bảo chuẩn mực, sư phạm. Giáo viên nữ: Không mặc váy ngắn lên lớp; Giáo viên nam, không mặc trang phục phản cảm, mất tư thế tác phong người thầy giáo.
  7. Tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng học sinh, có thái độ đúng mực, sư phạm trong tác phong, cử chỉ, lời nói, hành động mẫu mực. Luôn có ý thức xây dựng nhà trường và giữ gìn phẩm chất mẫu mực của nhà giáo Thủ đô.
  8. Giao tiếp với đồng nghiệp, với công dân đảm bảo lịch sự, niềm nở, khiêm tốn, tôn trọng và ngôn ngữ trong sáng; Không tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu không đúng thẩm quyền; Không xúc phạm nhân phẩm người khác; Không đánh bạc dưới mọi hình thức; Không hút thuốc lá tại cơ quan, phòng làm việc.
  9. Tôn trọng phụ huynh học sinh. Luôn coi cha mẹ học sinh là lực lượng phối hợp giáo dục các em. Làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; Khi giải quyết công việc cho tổ chức, công dân, không sách nhiễu đặt ra các quy định khác để công dân phải đi lại nhiều lần vì mục đích trục lợi cá nhân.
  10. Vận động gia đình, hàng xóm, người dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội.

Tác giả: Kiều Giang - Hồng Hà (Ghi)Nguồn tin: Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số tháng 4/2017

Gửi phản hồi

 

Lịch công tác

TRA CỨU

 

Bài ca Tây Hồ

 

-->
Video
Thư viện ảnh nổi bật
Thống kê truy cập