GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 2 CHỦ ĐỀ: BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 2 CHỦ ĐỀ: BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG

Các em học sinh yêu quí!

Biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta.Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới “Kỷ nguyên đại dương”, “Vươn ra biển” đã trở thành một xu thế chủ đạo của các quốc gia có biển, thậm chí một số quốc gia không có biển cũng đang tìm mọi cách để tiếp cận với biển.Việt Nam ta, biển quê hương đóng vai trò quan trọng trong quá trình mở cửa để hội nhập với thế giới.

Nhân kỷ niệm 51 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, thư viện trường giới thiệu với các em một số cuốn sách nói về biển đảo quê hương.

  1. Lịch sử địa lý và biển đảo

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã viết:

“Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam!

Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng

Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương

Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương…”

Biển đã đi vào lòng người dân Việt như thế.Biển thân thuộc như những câu thơ, bài hát và trở thành máu thịt, một phần không thể tách rời của người dân Việt Nam ta.

Từ xa xưa, biển đảo đã trở thành một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Biển đảo nói chung, các hải đảo và quần đảo nói riêng đã tạo thành một bộ phận thống nhất của lãnh thổ Việt Nam. Cùng với đất liền, biển đảo tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa, song kí ức về những chiến công hiển hách của quân dân ta “trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” sẽ mãi là những thiên anh hùng ca nhắc nhở bao thế hệ con cháu sau này về giá trị thiêng liêng của biển quê hương.

Cuốn sách “Lịch sử địa lý biển đảo” của tác giả Thảo Xanh đã giới thiệu được khái quát vị trí địa lý, lịch sử các quần đảo, hải đảo và các vịnh . Sách do nhà xuất bản Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2015.

Đặc biệt tác giả còn đưa ra cơ sở lịch sử - thực tiễn, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

  1. Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông

Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền, trên biển, trên không, ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm lăng là nhiệm vụ của mỗi người dân. Từ bao đời nay ông cha ta đã đổ bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp với sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Ngày trước ta chỉ có đêm và ngày.Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển.Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”

Cuốn sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông” do TS Trần Công Trục chủ biênxuất bản năm 2012 đã khẳng định chứng tích của Việt Nam trên Biển Đông. Cuốn sách đã góp phần tuyên truyền sâu rộng những thông tin chính xác đến với mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng khẳng định với thế giới về lập trường vững vàng cũng như quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Cuốn sách gồm 4 chương:

Chương 1: Vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam trong Biển Đông

Chương 2: Việc xác lập các vùng biển và thểm lục địa Việt Nam

Chương 3: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chương 4: Tranh chấp Biển Đông: Thực trạng và giải pháp.

  1. Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa

Lòng yêu nước, tinh thần tự chủ và bất khuất từ bao đời nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thấm sâu vào tình cảm tư tưởng của đồng bào ta, tạo nên sức mạnh thần kỳ để nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù sâm lược.Ngày nay, đất nước ta đang hòa bình, dân tộc ta đang độc lập nhưng bờ cõi ta một số nơi vẫn chưa yên. Đặc biệt trên biển Đông, nơi cửa ngõ của Việt Nam, ở đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị tranh chấp nhòm ngó và đe dọa.

“Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” là món quà của Thượng úy Nguyễn Xuân Thủy dành tặng bạn đọc nhỏ tuổi trong cả nước.

Trong tác phẩm "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" anh đã tự sắm vai người dẫn đường trong hải trình dài gần 1.000km để đưa người đọc đến với vùng biển đảo xa xôi của Tổ Quốc, chỉ dày 90 trang, khổ 14,4x20,5cm nhưng không hề bỏ lỡ điều gì đặc biệt về nơi xa xôi ấy. Chuyến du lịch đặc biệt qua trang sách được chia làm 6 phần chính gồm: Ra đảo – Mùa biển lặng – Mùa biển động – Kì thú biển trời Trường Sa – Thám hiểm đáy biển Trường Sa – Những người giữ đảo.

            Ra đảo là những bước làm quen với hành trình từ đất liền ra Trường Sa. Các bạn phải làm quen với bến cảng, tàu, neo, các chú thủy thủ, giấc ngủ trên tàu, bữa ăn trên tàu... và... say sóng. Những chuyện ấy tưởng chẳng có gì mới mẻ đối với nhiều bạn đã từng được đi tàu thủy. Nhưng mà khác lắm, lạ lắm, vì đây là tàu thủy ra Trường Sa mà! ấy là chưa kể trên hải trình ra Trường Sa, các bạn còn được nhìn thấy những chú cá biết bay, những chú cá heo thân thiện... và đặc biệt là cảm giác “say đất” khi đặt chân lên đảo.

            Trời biển Trường Sa còn nhiều cảnh vật, hiện tượng kỳ thú mà chỉ những người gắn bó thường xuyên với quần đảo mới được chứng kiến. ấy là những chiếc “vòi rồng” như quái vật, những chiếc cầu vồng lộng lẫy bắc qua biển, những sắc màu nước biển biến ảo theo thời tiết v.v..

Dưới đáy biển Trường Sa cũng có muôn vàn kỳ thú. Ấy là những đàn cá muôn loài muôn sắc và hình thù thì vô cùng ngoạn mục.Những chú tôm kềnh càng đủ cỡ. Nhữngloài ốc “vừa đẹp vừa ngon” không vùng biển nào có được... Rồi những “thím sò” trầm tích đáy biển, những chú vích khù khờ chậm chạp và hiền lành...

            Nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là những câu chuyện về những người đang ngày đêm canh giữ biển đảo và những người dân Trường Sa đang ngày đêm lao động sản xuất xây dựng huyện đảo đẹp giàu. ở Trường Sa, không chỉ có các chú bộ đội hải quân mà còn có các chú bộ đội công binh, ra-đa, cao xạ, cảnh sát biển... Nhân dân Trường Sa không chỉ có ngư dân mà còn có cán bộ thủy văn, khí tượng, giáo viên và... những công dân tí hon tuổi mẫu giáo, tiểu học. Và những câu chuyện thường ngày ở đảo của họ thì nhiều vô kể và thú vị vô cùng...

Cuốn sách mang Trường Sa xích gần hơn với cuộc sống ở đất liền, để các độc giả nhí thêm yêu hơn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuối cuốn sách, nhà văn còn dặn các độc giả nhớ viết thư cho các chú bộ đội theo địa chỉ ghi sẵn: “Kính gửi các chú bộ đội Trường Sa - Tỉnh Khánh Hoà”, bởi việc nhận thư đối với các chú bộ đội là một niềm vui rất lớn.

            Vâng! Ít có nhà văn nào hiểu được tận tình nơi đầu sóng ngọn gió như Nguyễn Xuân Thủy.Chẳng phải chính anh đang viết về một phần cuộc đời mình?!Song đem cái từng trải đó để kể lại cho các em nhỏ thì lại khác. Cái khó là làm sao để người ta cũng cảm nhận được như mình, nhất là với các tâm hồn nhỏ bé. Nhưng anh đã thành công với lời văn chân thành và mộc mạc, không màu mè, hoa mỹ, không tô vẽ như chính cuộc đời người lính. Đứng ở góc độ chủ quan tôi cho rằng, không chỉ các em nhỏ mà người lớn, những bạn bắt đầu tìm hiểu về Trường Sa đều có thể đọc cuốn sách này để có những kiến thức cơ bản về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

Bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cả trên đất liền, trên biển, trên không, ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài, là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam. Từ bao đời nay, ông cha ta đã đổ bao công sức và cả máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc vào thời đại để tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển.Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Mời các em đón đọc tại thư viện nhà trường.

Ngoài ra các em có thể tìm đọc những cuốn sách khác như: “Trong giông gió Trường Sa”; “Nhìn ra biển cả”; “Giáo dục về biển đảo Tổ quốc”; “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam những tiếng nói hòa bình và công lý”; “Những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Hà nội, ngày 14 tháng 02 năm 2020

Thư viện

Gửi phản hồi

 

Lịch công tác

TRA CỨU

 

Bài ca Tây Hồ

 

-->
Video
Thư viện ảnh nổi bật
Thống kê truy cập